Long Nhãn – vị thuốc cho giấc ngủ

Long nhãn là món đặc sản quen thuộc của người Việt. Trong y học cổ truyền, Long nhãn là nguyên liệu thuốc quý.  Để bảo quản lâu dài, thịt nhãn được tách khỏi vỏ và hạt rồi sấy khô tạo thành long nhãn. Long nhãn sấy có mầu vàng đậm – nâu sẫm tùy độ dày thịt nhãn và nhiệt độ sấy.

Long nhãn – nguyên liệu quý trong y học cổ truyền

Theo y học cổ truyền, long nhãn có vị ngọt, tính bình. Có tác dụng bổ dưỡng, dưỡng huyết, an thần. Phù hợp dùng chữa suy nhược thần kinh, kém ngủ, hay quên.

Tác dụng của Long nhãn

Theo y học hiện đại, long nhãn có glucose, protein, tanin, chất béo, saponin,… có nhiều tác dụng:

  • Chống lão hóa da và xương.
  • Ngăn ngừa các bệnh về mắt.
  • Tăng cường hệ miễn dịch, đề kháng tự nhiên, bảo vệ sức khỏe.
  • Thúc đẩy tuần hoàn.
  • Gia tăng độ bền, đàn hồi của mạch máu, giảm thiểu nguy cơ các bệnh liên quan tới tim mạch và huyết áp.

Theo Đông y, long nhãn cũng mang nhiều tác dụng:

  • Bồi bổ khí huyết, trị các bệnh thiếu máu, dưỡng nhan.
  • An thầ, trị lo âu suy nghĩ nhiều.
  • Chủ trị trống ngực hồi hộp tim loạn nhịp.
  • Trị các chứng chán ăn, ăn uống không tiêu.
  • Chữa suy nhược thần kinh, trí nhớ kém, mất ngủ thường xuyên.

Trà long nhãn – Thức uống giải khát có lợi cho sức khỏe

Trà Long nhãn: hãm lõng nhãn với nước nóng uống trực tiếp. Có thể dùng chung với táo đỏ sấy, kỷ tử hay hoa cúc,… Từ đó tạo lên những ấm trà thơm ngon, giúp an thần, đẹp da, tăng cường đề kháng,…

Chè dưỡng nhan, an thần, làm đẹp da: nấu cùng kỳ tử, hồng táo (táo đỏ), hạt sen, nhựa đào, tuyết yến, nấm tuyết, đông trùng, hạt chia,…

Phương thuốc đơn giản từ long nhãn

Rượu long nhãn, bổ khí huyết, ích tinh thần: long nhãn xào qua rượu, thêm rượu tùy ý (khoảng 10%) ngâm khoảng 3 tháng, hàng ngày uống vài ba lần, mỗi lần 1 chén nhỏ khoảng 20ml.

Long nhãn có thực đơn phong phú, từ pha trà uống…

Dùng cho người hay hồi hộp, rối loạn nhịp tim, mất ngủ, đau lưng mỏi gối: long nhãn 15g, hạt dẻ 10 – 20 hạt, gạo tẻ 50g, đường vừa đủ. Hạt dẻ bóc vỏ, đập vụn nấu với gạo thành cháo, khi cháo được cho long nhãn vào, đun sôi đều, khi ăn thêm đường.

…cho đến chế biến cùng các loại thực phẩm bổ dưỡng

Công thức cho người kém ăn, chậm tiêu, da xanh tái, đánh trống ngực, lo âu, mất ngủ: long nhãn 250g, mật ong 250g, đại táo 250g, nước gừng vừa đủ ăn. Nấu long nhãn, đại táo với nước, khi chín nhừ, cho nước gừng và mật ong vào, đun sôi là được.

Công thức hầm gà chữa thiếu máu, hồi hộp, mất ngủ, đánh trống ngực: gà giò 1 con, long nhãn 30g. Gà làm sạch cho vào nồi. Thêm long nhãn, chút rượu, giấm, hành, gừng, muối gia vị và ít nước. Đặt trên bếp hầm nhỏ lửa khoảng 1 giờ.

Dùng cho trường hợp thiếu máu, chảy máu dưới da: long nhãn 10g, lạc đập vụn 15g. Cho ít muối, ít nước, nấu chín ăn.

Trường hợp loạn nhịp tim, hồi hộp, mất ngủ, sốt nóng về chiều, mồ hôi trộm, ho khan, ít đờm, đờm lẫn huyết: long nhãn 20g, kỷ tử 20g, yến sào 30 – 50g. Mỗi thứ liều lượng thích hợp, thêm nước hầm trong khoảng 30 phút, sau cho đường phèn vừa đủ.

Kiêng kỵ: bụng ngực đầy trướng, nôn, nấc, ho, sốt nhiều đờm dịch, xuất huyết không dùng.